BÁO CÁO  ĐIỀU TRA TÌNH HÌNH NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM TẠI HAI HUYỆN CỦA TỈNH QUẢNG BÌNH – VIỆT NAM

&

  ĐÁNH GIÁ NHU CẦU HƯỞNG LỢI


Quảng Bình là một trong những tỉnh có tỷ lệ người khuyết tật cao ở Việt Nam. Báo cáo thống kê cho thấy hiện có khoảng 25.000 người mang những loại khuyết tật khác nhau trên tổng dân số 856.000 người. Họ là những người nghèo nhất trong số người nghèo ở Việt Nam vì mang nhiều bất lợi khi tham gia vào đời sống xã hội và mưu sinh. Đặc biệt, người khuyết tật bị nhiễm chất độc da cam (CĐ DC) gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe và tinh thần. Năm 2013, tổng số nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh là 5266 người theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình. Con số này bao gồm những nạn nhân tiếp xúc trực tiếp với chất độc da cam và con cháu họ, những nạn nhân mang khuyết tật bẩm sinh.Rất nhiều cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, cộng đồng đã nỗ lực để giúp đỡ các nạn nhân CĐ DC. Tuy nhiên, hỗ trợ như vậy vẫn chưa đủ để nạn nhân chất độc da cam ở Quảng Bình có một cuộc sống tươm tất.

Hợp tác chặt chẽ với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, Hội vì sự phát triển của người khuyết tật (AEPD), Tổ chức Advocacy Project đã thực hiện một cuộc khảo sát để thu thập dữ liệu về nhu cầu của các nạn nhân chất độc da cam trong ba tháng, từ tháng sáu đến tháng tám năm 2014. Hoạt động nhằm xây dựng kế hoạch hành động thích hợp để hỗ trợ các nhóm đối tượng một cách hiệu quả trong thời gian tới. Cuộc khảo sát cũng nhằm mục đích cung cấp thông tin về nhu cầu của các nạn nhân chất độc da cam mà các bên liên quan cần có để giải quyết vấn đề này với quy mô địa phương và quốc gia. Cuộc khảo sát sử dụng cả phương pháp định tính lẫn định lượng để thu thập và xử lý dữ liệu. Lựa chọn ngẫu nhiên 500 người được phỏng vấn trong danh sách các nạn nhân chất độc da cam đang sinh sống tại hai huyện Lệ Thủy và Bố Trạch. Bảng câu hỏi được thiết kế và sử dụng để phỏng vấn những nạn nhân chất độc da cam, cung cấp những thông tin định tính và định lượng. Đội cũng nghiên cứu sâu hơn đối với hai mươi trường hợp nạn nhân chất độc da cam ở Quảng Bình. Hội thảo được tổ chức với sự có mặt của các bên liên quan tại tỉnh để tổng hợp kết quả của cuộc khảo sát.

Trong số 500 nạn nhân CĐ DC được phỏng vấn, có 359 người là nam giới và 141 là phụ nữ. sở dĩ như vậy là vì có nhiều nam giới đi lính trong chiến tranh chống Mỹ bị nhiễm trực tiếp CĐ DC. Tuổi nạn nhân CĐ DC dao động từ 14 đến trên 90, cho thấy rằng chất độc da cam không chỉ ảnh hưởng tới những người tham gia chiến tranh mà còn ảnh hưởng tới thế hệ sau. Gần một nửa số nạn nhân CĐ DC được phỏng vấn là con của nạn nhân tiếp xúc với các chất độc hại. Một số lượng lớn (248) người được phỏng vấn là những người lính trở về từ chiến trường ở Quảng Trị, miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia.

 

 

Mặc dù cuộc điều tra nhấn mạnh điều kiện y tế liên quan đến chất độc da cam nhưng vẫn chưa cung cấp đủ các dữ liệu để phân tích chuyên sâu. Điều này là do những hạn chế về kiến ​​thức và sự hiểu biết về chất độc da cam và tình trạng sức khỏe do chất độc da cam của nạn nhân, ít người được phỏng vấn có thể trả lời chính xác bệnh mà họ mắc phải. Dựa trên kiến ​​thức hạn chế của người được phỏng vấn về các vấn đề sức khỏe, cuộc khảo sát cho thấy vấn đề sức khỏe phổ biến do chất độc da cam đặc biệt đối với thế hệ F0 là bệnh thần kinh ngoại biên, bất thường sinh sản, bệnh tiểu đường type 2, thiếu não, bệnh sạm da Porphyria CutaneaTarda. Trong khi đó, thế hệ F1 (nạn nhân là trẻ em nhiễm chất độc da cam) thường bị dị tật bẩm sinh, nứt đốt sống, hội chứng Down. Trong số 500 người được phỏng vấn, có 308 nạn nhân chất độc da cam đã được kiểm tra sức khỏe chuyên sâu và phần còn lại thì vẫn chưa được chẩn đoán ở các cơ sở y tế. Trong quá trình thiết kế câu hỏi, cuộc khảo sát cho thấy có sự khác biệt đáng kể giữa các tiêu chí của Mỹ và Việt Nam về các bệnh lý liên quan tới chất độc da cam.

Vì điều kiện sức khoẻ, nạn nhân chất độc da cam không thể làm việc được, nên các khoản trợ cấp của chính phủ là nguồn thu chính để sống. Hầu hết các trường hợp, những thành viên khác trong gia đình cũng dựa vào nguồn thu này vì chính họ cũng không thể làm việc. Số tiền nhận được dao động từ dưới 1 triệu đồng đến trên 5 triệu đồng. Ngoài ra, những người còn lại trong gia đình phải chăm sóc những nạn nhân đau yếu nên phải dành nhiều thời gian ở nhà. Trong 500 người được phỏng vấn, 12 nạn nhân là trẻ em dưới độ tuổi lao động, 213 người không thể làm việc hoặc không có việc, 109 người kinh doanh và làm dịch vụ nhỏ, 55 người là thợ thủ công, 23 người làm nông, số còn lại làm những công việc đơn giản, lương thấp như giúp việc nhà. Cần lưu ý là vẫn có 128 trong số 500 nạn nhân được phỏng vấn chưa được hưởng trợ cấp hàng tháng. Vì việc tính toán thu nhập quá phức tạp nên chỉ 144 hộ có thể báo cáo thu nhập hàng tháng của gia đình khoảng từ 1 đến 5 triệu đồng, bao gồm các khoản trợ cấp của chính phủ. Mức trợ cấp phổ biến nhất là từ 1-3 triệu đồng/tháng (240 nạn nhân). Có 107 nạn nhân chất độc da cam nhận được mức trợ cấp thấp nhất (dưới một triệu), và chỉ có 9 trong số 500 nạn nhân nhận được 4-5 triệu / tháng (xem biểu đồ sau để biết thêm chi tiết).

Kết quả thứ hai của cuộc khảo sát tập trung vào các nhu cầu của nạn nhân chất độc da cam tại Quảng Bình. Kết quả cho thấy họ ưu tiên 5 nhu cầu để cải thiện chất lượng cuộc sống, bao gồm (i) Cải thiện điều kiện sống; (ii) Cải thiện sinh kế; (iii) Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe; (iv) Nâng mức trợ cấp và (v) Giáo dục cho con trẻ.

Hầu hết những nạn nhân chất độc da cam đều có điều kiện sống rất thấp. Vì vậy, có 43,08% người được phỏng vấn đã đề xuất nhu cầu cải thiện điều kiện sống. Trong số 500 nạn nhân CĐ DC, chỉ có 44,80% (224/500 gia đình) có điều kiện sống tốt hơn vì có thể dùng nguồn nước sạch (nước máy, nước giếng đào) và nhà vệ sinh tự hoại. Hiện vẫn còn 276 gia đình (52, 20%) sử dụng nhà vệ sinh tạm bợ và nước sông, suối, nước máy để sinh hoạt. Quan sát cho thấy, hầu hết những nạn nhân CÐ DC đang sống trong những ngôi nhà tạm bợ/yếu hoặc xuống cấp, đặc biệt là ở vùng ven biển và vùng trũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Do đó nhu cầu cải thiện điều kiện sống được ưu tiên nhất, chiếm 43,08%. Trong đó, 23,25% cần nâng cấp nhà ở, 11,27% cần có nguồn nước sạch và nhà vệ sinh tốt hơn, 3,36% cần có phương tiện đđi lại, 1,61% cần đất để làm nhà và phần còn lại cần có đồ dùng gia đình và thiết bị khẩn cấp.

Bởi hầu hết nạn nhân chất độc da cam đều quá già hoặc quá yếu, không thể làm việc được nên nhiều người trong số đó (104/500) đề xuất nhu cầu cải thiện cơ hội việc làm cho con em mình hoặc các thành viên khác trong gia đình. Người được phỏng vấn thường yêu cầu đào tạo nghề cho thế hệ trẻ. Chỉ số ít trong số họ có thể làm việc và muốn được nâng cao kỹ thuật canh tác, hoạt động kinh doanh nhỏ. Nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ thấy rất khó để bán được sản phẩm. Hỗ trợ từ các hoạt động kinh doanh xã hội có thể giúp họ vượt qua nhiều thách thức. Đáng tiếc là không có mô hình kinh doanh xã hội nào trong vùng khảo sát. Ngoài ra, năng lực dịch vụ đào tạo nghề ở hai huyện không đáp ứng được nhu cầu của nạn nhân chất độc da cam và thành viên gia đình họ. Trong số 500 người được phỏng ấn, có 81 người đề xuất cho nâng mức trợ cấp hàng tháng để chi tiêu ăn uống và chăm sóc sức khỏe.

Nhiều nạn nhân cũng yêu cầu được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, do nhiều người trong số họ đang mắc phải các loại bệnh tật liên quan đến chất độc da cam, và chăm sóc sức khoẻ là quá tốn kém so với thu nhập. Những nhu cầu rất cấp bách là hỗ trợ tài chính để điều trị, mổ tim, gan, phục hồi chức năng như cung cấp máy trợ thính, kính, vv. Một số trường hợp đặc biệt cần được cấp thuốc tại nhà vì quá già yếu nên không thể đi đến trung tâm y tế lấy thuốc được. Khoảng 74 nạn nhân, chiếm 14,4%, đang sống một mình mà không có ai chăm sóc nên họ cần có người chăm sóc. Những người khác được vợ, chồng hoặc các thành viên trong gia đình chăm sóc. Tuy nhiên, những người này còn thiếu kiến thức và kỹ năng thực tế để chăm sóc sức khỏe đúng cách. Vì vậy, đào tạo cho họ về thực hành chăm sóc sức khỏe cơ bản là rất cần thiết.

Những nạn nhân được phỏng vấn đang sống rất khó khăn. Tuy nhiên, lo lắng nhiều nhất vẫn là cho tương lai của con em mình. Họ muốn con cái có thể sống tốt hơn, được đi học và làm việc. Họ có nhu cầu cấp học bổng hoặc miễn giảm chi phí học hành cho con vì rất đắt. Một số người khác muốn con họ (bị khuyết tật) sẽ được chăm sóc ở một cơ sở chuyên nghiệp sau khi họ mất.

Qua cuộc khảo sát thấy được một số mô hình hỗ trợ người khuyết tật của AEPD ở khu vực khảo sát. Một số mô hình được đánh giá cao, cần được duy trì và cải thiện. Đó là mô hình hỗ trợ vận động chính sách, mô hình hỗ trợ đồng cảnh ngộ, mô hình hỗ trợ nâng cao vị thế xã hội, mô hình hỗ trợ cho vay nhỏ và mô hình hỗ trợ phát triển thể chất và tinh thần. AEPD đại diện cho người khuyết tật, vận động chính sách trong khuôn khổ cá nhân, tổ chức và quốc gia. Đầu tiên, AEPD hoạt động ở cấp độ cá nhân, thúc đẩy nạn nhân tự vận động, chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng, cũng như đào tạo và mang lại cơ hội cho người khuyết tật để trở thành những vận động cho quyền lợi của người khuyết tật ở cấp cộng đồng. Mô hình hỗ trợ đồng cảnh ngộ của AEPD, do các nhân viên thực địa thực hiện cũng mang lại cho người khuyết tật những mối quan hệ đồng đẳng, với vai trò rất tích cực. Qua việc thăm nom, hỗ trợ đồng đẳng đã phát triển hệ thống các nhóm tự lực, tạo điều kiện cho nhân viên thực địa để chia sẻ thông tin, thông báo cho người khuyết tật về những nguồn lực sẵn có. Mục tiêu cơ bản của mô hình nâng cao vị thế xã hội của AEPD là nhằm giảm thiểu các rào cản cho người khuyết tật và gia đình của họ, nâng cao nhận thức về khả năng của mình trong một xã hội lớn hơn. AEPD đã tạo dựng một hệ thống 34 nhóm tự lực, có vai trò như  một diễn đàn cho những người khuyết tật cung nhau thảo luận về các vấn đề liên quan đến sức khỏe và đời sống xã hội, trao đổi bàn luận ​về kinh doanh và vận động chính sách.

Cuộc khảo sát đã  khơi dựng được một bức tranh toàn cảnh, minh họa cuộc sống thực tế của nạn nhân chất độc da cam tỉnh Quảng Bình. Thông tin về những nhu cầu chính của nạn nhân cũng ở dưới dạng định tính và định lượng. Một nơi ở an toàn có nước sạch và công trình vệ inh là ưu tiên hàng đầu. Chăm sóc sức khoẻ và điều trị bệnh lý do chất độc da cam là mối quan tâm thứ hai. Cũng có nhiều nạn nhân đề xuất tăng mức trợ cấp và cải thiện thu nhập. Rất nhiều nạn nhân chất độc da cam mong muốn được thấy con cái có khả năng sống độc lập nhờ vào kiến thức và kỹ năng học được ở trường và cơ sở dạy nghề. Với những nhu cầu này, các mô hình mà AEPD phát triển và thực hiện tại tỉnh Quảng Bình có lẽ là cách tiếp cận thích hợp cho tổ chức Advocacy Project. Tuy nhiên, sự tham gia của các bên liên quan khác như cộng đồng, chính quyền địa phương, Sở LĐ - TB - XH, các tổ chức xã hội là rất quan trọng đối với sự thành công và bền vững của dự án.



Thống kê truy cập

users Đang Online: 31
today Hôm nay: 242
users Tháng này: 91,698
hits Tất cả: 1,314,846

Copyright © 2014 by AEPD