Anh Văn bước xuống xe, lưng còng gập đôi song song với mặt đất. Tôi kinh ngạc nhìn anh.
Đây là giám đốc một doanh nghiệp có 20 nhân công lương tháng bình quân 2.5 đến 3 triệu?
Đây là người mỗi năm tạo việc làm thời vụ cho khoảng gần 100 công nhân với ngày công 150 ngàn đồng?
Đây là người đã được ghi dấu trên con đường cao tốc Hồ Chí Minh bằng các mố cầu Khe Tang, Khe Núng, Khe Thui và rất nhiều công trình khác?
Thú thật, tôi hoang mang không dám tin rằng đây là người đã làm được những điều đó. Nhưng về sau, khi nói chuyện với anh và nghe anh kể về cuộc đời mình, tôi đã nhận ra là mình quá hồ đồ khi nghi ngờ như vậy.
Anh Văn mất mẹ khi chưa đầy 6 tuổi. Anh sống cùng cha và đứa em trai bị bệnh liệt hai chân. Cũng như bao trai làng khác ở xứ này, anh Văn lớn lên dưới bóng cây rừng cùng chiếc rìu trên tay. Tặng vật của rừng là nguồn mưu sinh của gia đình anh. Nhưng chớ nghĩ, tặng vật này không bao gồm cả sự đói nghèo, bệnh tật. Năm 18 tuổi, anh Văn hân hoan khăn gói xa quê đi làm công nhân, tưởng có thể trở thành trụ cột cho cha và em. Thế nhưng, mơ ước của anh rơi vỡ tan tành khi anh đang treo mình khai thác đá ở độ cao 15m thì đứt dây bảo hiểm. Sau mấy tháng nằm viện, anh trở về với đơn vị cũ. Mọi thứ bây giờ đã đổi thay. Cô bạn gái hôm nao nay đã đi lấy chồng. Sức khỏe mỗi ngày một yếu. Anh Văn xin nghỉ việc trở về quê. Buồn thay, đúng lúc này thì cha anh bỗng sinh bạo bệnh và nằm liệt giường. Người em trai liệt chân quanh quẩn trong nhà chẳng làm được gì giúp cha. Xóm nghèo cũng không có gì để giúp ngoài nắm rau, củ sắn khi đến vụ. Nhận thấy mình là trụ cột duy nhất của gia đình, anh Văn gượng hết sức mình kiếm việc nuôi thân, nuôi cha và nuôi em.
Thật kỳ diệu, trong những tháng ngày nhọc nhằn đó, có người con gái xinh đẹp trong làng lại đem lòng yêu anh. Chị chia sẻ với anh những lo âu và nguyện cùng anh vượt qua tất cả mọi khó khăn để dựng xây hạnh phúc. Thế nhưng, tai ương vẫn cứ bám theo anh và chực xô anh ngã xuống. Bệnh đau lưng do cú ngã ngày nào gây ra nay lại tái phát, và bác sĩ bảo anh cần ra Hà nội để phẫu thuật xương sống. Anh gồng mình nuốt nước mắt vào trong. Cha vừa mới mất, anh nằm bệnh viện gần nửa năm nay, biết vay mượn tiền đâu nữa? Vậy là anh đành chịu liệt giường. Hàng trăm lần bị những cơn đau đẩy xô đến gần cửa tử, tiếng khóc của cô con gái nhỏ và tiếng gọi thầm thì của vợ cùng bao tấm lòng thảo thơm của bà con xóm giềng và Đoàn thể đã níu anh ở lại. Hết cơn đau anh tập lẫy, tập bò, tập đứng và tập đi. Hai năm sau, bệnh tình lui dần. Lúc này Nhà nước vừa có chủ trương cho dân sử dụng đất rừng. Anh Văn quyết định vào rừng làm nương, sản xuất lương thực. Mặc cho vợ can ngăn, anh một mình với chiếc ba lô trên vai, hai tay hai gậy lần hồi vào rừng dựng lều và chăm chỉ miệt mài phát cây trỉa hạt. Cứ dăm bữa nửa tháng, vợ anh lại gùi thực phẩm vào cho chồng. Xóm làng đi rừng ngang qua, cảm phục ý chí của anh, thường lặng lẽ để lại cho anh khi quả dưa, khi gói muối. Đến khi thu hoạch, xóm làng cũng mỗi người mỗi tay giúp anh cõng ngô lúa về nhà. Nhờ vậy, trong những năm đầu thập kỷ 90 đói kém đó, nhà anh không những có đủ gạo ăn mà còn có dư để bán cho những gia đình chung quanh. Anh cũng không ngờ là bắt đầu từ đó, đến nay vợ chồng anh có đến 10 ha đất rừng, trồng nhiều loại cây gối vụ và cho gia đình anh thu nhập đáng kể.
Khi đất nước bắt đầu đổi mới mạnh mẽ, cuộc sống quê anh cũng đổi thay. Người ta bắt đầu thay những ngôi nhà gỗ cũ thấp bằng nhà gạch chắc chắn. Nhận thấy ngay cơ hội, anh Văn đứng ra tổ chức một đội xây dựng của xã, nhận thầu các công trình nhà cửa cho bà con. Lấy chữ tín làm đầu, đội của anh nhanh chóng có tiếng tăm trong xã. Nhóm nhận được hợp đồng quanh năm, thu nhập đội viên ngày càng khấm khá. Năm 2008, anh Văn thành lập công ty Tiến Văn, chính thức hóa tư cách pháp nhân cho đội xây dựng của mình để anh có thể ký được những hợp đồng lớn hơn, tạo thêm việc làm cho nhiều người hơn.
Anh Văn luôn nhớ đến những người đã nâng đỡ khi gia đình anh khốn khó ngày xưa. Vì vậy, anh sẵn lòng chia sẻ bát cơm của mình cho những người vẫn nghèo khổ. Anh nhận nuôi 2 cháu mồ côi, cho chúng học hành. Mỗi năm, anh dành tặng 10 triệu đồng để góp phần xóa mái tranh nghèo hay học bổng cho học sinh nghèo vượt khó và các trường hợp khác. Tin cậy nơi anh, người dân bầu chọn anh là Ủy viên mặt trận và Hội đồng nhân dân xã.
Tuy nhiên, rất ít người biết rằng bấy lâu nay anh Văn luôn trăn trở về việc làm cho người đồng cảnh. Chỉ riêng một xã Thanh Hóa quê anh có hơn 4000 dân mà tính ra đã có gần 100 người khuyết tật. Nhiều người bị mặc cảm về sự khiếm khuyết của bản thân đè nặng, không dám bước chân ra xã hội, chỉ biết sống bám người thân. Có người cố gắng kiếm tìm con đường sống tự lập, nhưng lực bất tòng tâm, nay no mai đói. Anh Văn thường nghĩ nhiều đến một xưởng dạy nghề cho người khuyết tật, nơi giúp họ tự lo liệu lâu dài cho bản thân và giảm đi gánh nặng cho gia đình họ. Vùng quê anh rất sẵn nguyên liệu làm hàng mộc, mây tre, hương, chổi đót...vv. Lãnh đạo chính quyền quan tâm ý tưởng của anh và khuyến khích anh đưa ý tưởng vào thực tế. Anh Văn chưa biết nên bắt đầu từ đâu. Được biết AEPD, nơi cung cấp hướng dẫn và tư vấn hỗ trợ người khuyết tật, anh Văn nghĩ mình phải tìm gặp AEPD trong một ngày gần nhất.
Phạm Tiến Văn. 1957
Thôn 5 xã Thanh Hóa huyện Tuyên Hóa. 0523 690 623/ 0934 463 954