Quên mình là người khuyết tật
Tôi thấy buồn cho một số người khuyết tật. Họ vin vào khuyết tật của mình mà sinh mặc cảm và trốn tránh xã hội. Họ chẳng những không lo được cho đời mình mà còn làm gánh nặng cho xã hội. Và hẳn nhiên là điều đó làm đau lòng cha mẹ của họ biết bao. Từ thực tế bản thân mình, tôi biết rằng những người khuyêt tật không bắt buộc phải làm như vậy.
Tôi muốn kể câu chuyện đời mình cho mọi người nghe.
Bản thân tôi bị gặp nạn khi mới 25 tuổi, sau 5 năm chiến đấu ở mặt trận Tây Nam tổ quốc. Trong một trận chiến khốc liệt, tôi bị đạn pháo làm cụt chân trái ngang gối, chân phải gãy xương đùi nối lại và trên người chi chít hàng chục vết thương cùng nhiều mảnh đạn.
Thú thực, trong 5 năm trận mạc trước đó, tôi chỉ có một ước mơ là được trở về quê với người mẹ nghèo một chân tấp tểnh, rồi cưới vợ sinh con và sống thanh bình với rau dưa cà mắm. Vì vậy khi bị thương và phải điều trị hơn 7 tháng trời qua nhiều bệnh viện không thể kể hết, giấc mơ về cuộc sống yên lành kia của tôi dường như không bao giờ trở thành hiện thực nữa. Với ý nghĩ tuyệt vọng này, tôi sống bất cần đời trong mấy năm sau đó, sau khi được đưa về địa phương. Rồi một ngày, sau nhiều lần trăn trở, tôi chợt nhận ra rằng dù không lành lặn, tôi còn may mắn hơn biết bao nhiêu đồng đội khác của mình, những người đã ngã xuống trong trận chiến. Đồng đội tôi đã không còn có mặt trên đời, trong khi tôi còn có cả cuộc đời phía trước. Và tôi không được phép sống cuộc đời vô nghĩa.
Năm 32 tuổi, tôi lấy vợ. Với trách nhiệm mới của cuộc đời, tôi loay hoay làm đủ nghề để lo cho gia đình nhỏ của mình mà chẳng làm được điều gì đến nơi đến chốn. Biết rằng do mình thiếu kiến thức, tôi quyết tâm hằng ngày xuống đò vượt sông Gianh và đạp xe 5 km để sang trường huyện học bổ túc hết cấp 3. Sau khi học hết chương trình phổ thông ở đó, tôi xa vợ con năm rưỡi tròn để theo học trung cấp thú y ở Đông Hà, Quảng Trị. Tôi học được những kiến thức và kỹ năng chăn nuôi cần thiết. Cũng trong thời gian này, lần đầu tiên tôi biết là heo nuôi sau 3 tháng có thể đạt trọng lượng 100kg. Điều này thật khác với quê tôi, nơi heo thường phải nuôi cả năm tròn mới đạt 40-50 kg. Vậy là tôi ước mơ đưa giống heo này về với quê nhà. Tôi lặn lội tìm vào trại giống của tỉnh ở tận Đồng Hới nhưng quãng đường xa xôi khi phương tiện đi lại còn khó khăn đã không cho tôi thực hiện ước mơ. Tiếc cho cơ hội có nguy cơ vuột mất, tôi vét hết 5 triệu vốn liếng của mình cùng số tiền 6 triệu vay của anh em rồi một mình một chân lọ mọ ra Viện chăn nuôi quốc gia ở Hà Nội mua hai con đực giống đem về. Xóm làng và vợ con nghi nghi hoặc hoặc với việc tôi làm. Cũng phải thôi, vì ở chốn cách xa trung tâm như quê tôi hồi đó, chăn nuôi chỉ là phó mặc cho tự nhiên, chứ ai đời lại định làm cái việc kỳ cục như tôi? Vừa lo lắng, vừa quyết tâm, tôi phải mất cả năm ròng rã tuyên truyền, vận động xóm giềng. Rồi khi bà con nhận ra đàn lợn của họ ngày nay sao lớn nhanh và chóng nặng, họ lại truyền tai nhau để cho người ở khắp 4 huyện trong vùng và cả huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh tìm đến tôi mua tinh lợn. Năm 1995, tôi đã hoàn trả được 6 triệu tiền vay hai năm trước và bắt đầu tích lũy lãi. Tin tưởng vào hiệu quả mô hình này, cuối năm đó, Ngân hàng cho tôi vay 30 triệu để mở rộng chuồng trại, mua thêm 2 đực giống và 2 heo nái. Nuôi heo nhiều, phân chao không kịp xử lý gây mùi hôi thối cho gia đình và làng xóm, tôi rất trăn trở. Thế nên khi nghe nói về bể khí sinh học BIOGA, tôi đích thân ra tận Hà Tây để tìm hiểu và trở về xây một bể 10m3 – là bể BIOGA đầu tiên của huyện. Nhận thấy lợi ích của bể này, tôi tranh thủ mọi lúc giới thiệu tuyên truyền cho bà con và đã giúp nhiều hộ xây dựng bể thành công.
Chính quyền và đặc biệt khuyến nông rất quan tâm đến nỗ lực của tôi. Tôi được chọn đi học thêm nghề nuôi bò sinh sản và thụ tinh nhân tạo bò. Học xong, tôi được hỗ trợ mở điểm thụ tinh nhân tạo cho bò đầu tiên tại vùng Nam Quảng Trạch. Năm 2009, tham gia Hội thi bê lai huyện Quảng Trạch lần thứ nhất do Khuyến nông tổ chức, tôi được nhận giải nhất Dẫn tinh viên xuất sắc. Công việc cuốn hút suốt ngày đêm, tôi không nhớ hết mình đã đi lại bao nhiêu quãng đường, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bao nhiêu người, giúp tạo ra bao nhiêu bò và lợn lai. Nhưng tôi biết chắc, tôi đã đào tạo thành công và tạo việc làm thường xuyên cho 20 cộng tác viên trên địa bàn 9 xã.
Thú thực, bây giờ chỉ những lúc trái gió trở trời tôi mới nhớ mình là người đã chết đi sống lại với tấm thân không còn lành lặn. Nhưng chính những lúc đó lại hối thúc tôi phải cố gắng hơn, bởi vì đạn bom đã không giết chết tôi thì lẽ gì tôi lại bị đói nghèo đánh gục? Trong đầu tôi luôn sùng sục suy nghĩ phải làm thêm, làm nhiều hơn nữa. Tôi luôn luôn nhìn về phía trước, nghĩ cách cải thiện cuộc sống gia đình. Tôi vẫn luôn là người bạn đời thủy chung của vợ và là người cha vững vàng cho 5 đứa con thơ nương tựa. Chiến tranh và khuyết tật thân thể không thể ngăn tôi lo cho các con tôi được yên tâm học hành để có thể tự hào lập thân trong tương lai
Có phải tôi đã quên mình là người khuyết tật?
Nguyễn Xuân Thiệu. 1957
Xã Quảng Hòa huyện Quảng Trạch. 0975 879 569