Nghe chị Phồn kể chuyện
29/02/2016 14:44
Tôi là một phụ nữ miền biển xã Bảo Ninh, nơi nổi tiếng với câu thơ “chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình”. Tôi tên là Phạm Thị Phồn, năm nay 66 tuổi. Tôi có một gia đình lớn. Sáu đứa con tôi đều đã có gia đình và con cái, hiện đang sống trong làng. Tôi sống cùng chồng trong ngôi nhà cũ từ khi còn trẻ. Chồng tôi mang trên mình nhiều vết đạn trong suốt nhiều năm chiến tranh chống Mỹ. Mỗi khi trái gió trở trời, các vết thương lại làm ông nhức nhối. Ông không làm được việc nặng nên hầu như mọi việc trong gia đình tôi đều phải cáng đáng.

Thực ra, tôi sẽ không có gì để nói, nếu gần 15 năm trước, khi vội vã lấy đá ủ cho gánh cá tươi để mang ra chợ bán, cánh tay phải của tôi bị máy xay nước đá nghiền nát. Cánh tay cụt bị nhiễm trùng phải cắt 2 lần trong vòng một năm. Một năm trời tôi phải lo chạy chữa cánh tay, trả tiền thuốc men mà không làm việc được. Điều này có nghĩa là nguồn thu của gia đình bị mất đi và số tiền dành dụm bấy lâu cũng bay vèo. Trong khi đó, mấy đứa con gái lớn vừa mới lấy chồng và nuôi con dại không giúp được mẹ cha. Hai con trai út học cấp 3 thì đang bận rộn lo lắng chuẩn bị thi vào đại học và chúng cần không ít tiền. Tôi còn nhớ, năm đó, tôi thường nghe tiếng thở dài buồn bã ở khắp mọi nơi. Những cơn gió mùa đông lạnh lẽo dường như lẩn quất mãi không chịu rời khỏi ngôi nhà nhỏ tuyềnh toàng của chúng tôi, khi ảo não thở than, khi rú rít đe dọa.

 

 

Tôi trăn trở nhiều lắm. Cánh tay phải bị cụt làm tôi có cảm giác như người đang nghiêng hẳn sang một bên, và cánh tay trái còn lại thì cứ lóng ngóng không làm việc được, bởi vì tôi thuận tay phải. Ban đầu tôi nghĩ, hay là đã đến lúc tôi được nghỉ ngơi sau bao năm miệt mài lao động phục vụ gia đình và xã hội? Nhưng suy nghĩ lại, tôi thấy mình không được phép gục ngã trước tai ương. Gia đình cần tôi mạnh khỏe, xóm làng mong thấy tôi vui vẻ, cộng đồng muốn tôi tiếp tục đóng góp. Tất cả mọi người khuyến khích động viên tôi. Vậy là ở tuổi 52, tôi bắt đầu luyện cánh tay trái và đôi chân làm thay việc cho cánh tay phải đã mất. Tôi kiên nhẫn tập luyện hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng. Thật không dễ dàng gì, nhưng dần dần, tôi đã làm được đủ thứ việc mà không cần có cánh tay phải nữa. Tôi viết chữ, giặt giũ, nấu ăn, bứt cỏ lá, gọt củ quả, mổ cá, thái thịt, bổ củi và buôn bán ... Lạ lùng thay, lúc này tôi lại khao khát lao động để thoát nghèo hơn bao giờ hết. Hằng ngày tôi thức dậy từ 2 giờ sáng đi ra bến thuyền chờ thuyền cá về để mua rồi bán lại cho các bạn buôn. Trở về nhà trước khi mặt trời lên, tôi lại quẩy gánh ra động dương quét lá về đun. Buổi chiều, tôi xách thùng đi xin nước rửa bát chung quanh xóm để mỗi năm nuôi hai đôi lợn, bán đi lấy tiền gửi cho hai con học đại học. Chồng tôi lúc không đau ốm thì sửa xe đạp cho bà con trong xóm, kiếm thêm ít tiền giúp tôi lo liệu. Hai con tôi đi học đại học cũng mang theo bộ đồ nghề sửa xe. Ngoài giờ học, chúng ra vỉa hè bơm vá, sửa chữa xe đạp cho bạn bè và người qua đường. Nhờ vậy, chúng đã đi qua mấy năm học đại học, ra trường mở doanh nghiệp và tự lập.

 

 

Năm 2005, lần đầu tiên tôi được Ngân hàng CSXH cho vay 5 triệu đồng. Chồng tôi nhờ mấy người nữa cùng làm chuồng và tôi mua 200 gà giống về nuôi. Năm sau, tôi vui mừng đưa tiền bán 4 lứa gà sang trả trước hạn cho Ngân hàng và lại tiếp tục nuôi lứa gà khác. Thật không may, niềm vui chẳng được bao lâu, gà mắc bệnh chết. Khi thực tình chưa biết làm gì tiếp thì vào đầu năm 2007, tôi bắt đầu gặp và tham gia hoạt động do AEPD tổ chức (tiền thân là Mạng lưới Nạn nhân bom mìn- LSN). Tôi hăng hái vận động và xây dựng nên Câu lạc bộ người khuyết tật xã Bảo Ninh quê nhà. Hơn 40 người đồng cảnh bắt đầu tập hợp lại, chia sẻ nỗi buồn niềm vui, khích lệ nhau vượt qua mặc cảm yếu hèn, tham gia học tập kiến thức để cải tiến cung cách làm ăn. Bản thân tôi thích thú học kỹ thuật chăn nuôi do AEPD tổ chức. Được AEPD hỗ trợ xây dựng chuồng heo tôi hăng hái đầu tư nuôi 30 con heo. Sau 4 tháng, đàn heo cho tôi mấy mươi triệu. Tự tin với kiến thức mới, tôi lại đầu tư nuôi lứa khác. Chính những nỗ lực của tôi đã giúp tôi dành được sự tin tưởng của cộng đồng. Năm 2011 này, tôi vinh dự được chọn là đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Hội phụ nữ cấp xã. Tôi càng có cơ hội để tuyên truyền các chính sách liên quan đến người khuyết tật cho nhiều người cũng hiểu và thực hiện.

Tôi nhận ra rằng, khi một người bị mất chi, người đó vẫn có thể di chuyển qua đôi chân người khác. Khi một người mù mắt, người đó vẫn có thể nhìn qua đôi mắt của người khác. Thậm chí, người mất chi, mù mắt cũng có thể “di chuyển” và “nhìn” bằng cách riêng của họ. Chỉ cần khuyến khích họ nhiều hơn. Chỉ cần đừng cười cợt về sự khác biệt của họ. Và tôi tin, khi xã hội ngày càng  quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ thì những người khuyết tật chúng tôi hoàn toàn có thể hòa nhập và đóng góp dựng xây xã hội như tất cả mọi người công dân.

 

Phạm Thị Phồn. 1945

Xã Bảo Ninh, TP ĐồngHới


Bình luận

Thống kê truy cập

users Đang Online: 4
today Hôm nay: 26
users Tháng này: 83,342
hits Tất cả: 1,331,340

Copyright © 2014 by AEPD