Nghị lực và tấm lòng
20/12/2014 20:54
Hơn 35 năm về trước, anh Hòa phải bỏ lại một nửa phần chân trái trên chiến trường Trị-Thiên và mang theo mình hai mảnh đạn ở bên chân phải. Sau hai năm điều trị ở trại an dưỡng Quân đội, anh Hòa trở về quê với vết chân tròn trên đôi nạng gỗ cùng cô gái trẻ xứ Nghệ tình nguyện cùng anh dắt dìu nhau đi suốt cuộc đời. Trong vòng chín năm sau đó, đôi vợ chồng trẻ sinh được 4 đứa con xinh xắn. Hồi đó, đất nước Việt Nam mới giải phóng phải ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, cuộc sống của người dân muôn vàn khổ cực. Mặc dù vợ chồng anh đêm ngày miệt mài làm lụng, nhưng quanh năm gia đình chỉ đủ cơm rau, các con đến trường bữa no bữa đói.

Năm 1989, anh Hòa thức trắng một đếm không ngủ, trằn trọc mãi khi nghe Đài tiếng nói Việt Nam nói rằng “nông dân không có rừng sẽ khó thoát nghèo”. Trời vừa sáng, anh đã đến Ủy ban xã đăng ký nhận đất rừng. Ngày đạp xe vào nhận 10 ha đồi hoang ở cách nhà gần 10km, anh Hòa mới thực sự thấy hoảng với quyết định của mình. Vợ ốm yếu, 4 con thơ đứa lớn chưa đến 12 tuổi, đứa bé mới hơn 2, làm sao để biến 10ha đồi cây bụi hoang này thành rừng để thoát nghèo đây? Câu hỏi này hết nhảy múa loạn xạ trước mắt lại đập chan chát vào ống chân cụt của anh khi chiếc xe đạp nhảy lóc cóc trên lối đi gập ghềnh để trở về nhà.

Thật không ngờ, chỉ hơn 1 năm sau đó, câu hỏi này đã được anh Hòa giải đáp. Lời giải của anh là chiếc cuốc, chiếc mai cùng đôi tay phồng rộp rướm máu và hàng ngàn lít mồ hôi anh tưới xuống cho những mầm cây mới trồng lên. Một thân một mình trên mảnh đồi hoang, anh nối ngày dài ra bằng những đống lửa khi đêm xuống để vần đá, đắp bờ, đào gốc, cuốc hố. Tiếp sức cho anh là niềm tin "Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm" mà anh luôn ngâm nga tự nhủ mình. Với niềm tin đó, anh miệt mài trồng sắn khoai môn xen giữa những luống tràm, keo và các loại cây khác. Bằng cách này, anh tiết kiệm được hàng trăm công làm cỏ, lại thu được hàng chục tấn củ, giúp anh có tiền để mua cây giống và thuê nhân công lao động. Hơn 6 năm sau, lứa bạch đàn đầu tiên mang về cho anh 20 triệu đồng. Nâng niu những đồng tiền trên tay cho thỏa, anh lại đem đi mua cây giống, thuê nhân công mở rộng vườn rừng và không quên sắm cho các con và mẹ chúng mấy bộ cánh mới. Cả mấy quả đồi hoang ngày nào nay đã trở nên xanh mướt mát với đủ loại cây trồng khác nhau.

Không những chịu thương chịu khó vượt lên số phận để làm chủ cuộc sống mà anh Hòa còn là một người giàu lòng nhân ái, luôn quan tâm đến những người có cùng cảnh ngộ. Năm 2007 khi tiếp xúc lần đầu với Hội vì sự Phát triển của Người khuyết tật (AEPD) mà tiền thân là Mạng lưới Nạn nhân Bom mìn Việt Nam, anh mừng như gặp được bạn tâm giao. Ý tưởng thành lập một câu lạc bộ là nơi sinh họat, chia sẻ, thăm hỏi, giúp đỡ lẫn  nhau của người khuyết tật nung nấu trong anh. Với sự giúp đỡ của AEPD, chỉ sau mấy tháng vận động, anh Hòa đã cùng 34 người khuyết tật hoàn thành Đại hội thành lập CLB NKT xã Nghĩa Ninh. Anh đã cùng CLB vận động thành công cho 7 học sinh thuộc gia đình người khuyết tật được miễn giảm các khoản phí ở trường và hướng dẫn hơn 10 người khác làm hồ sơ để nhận trợ cấp xã hội.

Rồi anh lại trăn trở tìm kiếm phương cách làm ăn cho các thành viên trong câu lạc bộ. AEPD đã giúp anh xây dựng mô hình giữ xe đạp xe máy ở chợ Cộn. Được UBND phường cấp 140m2 đất và 11 triệu đồng hỗ trợ của AEPD, anh lại cho mượn thêm 8 triệu dựng lên môt dãy nhà giữ xe khá khang trang, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hội viên. Nhờ  mô hình này mà hội viên có thu nhập ổn định, có tiền nuôi con ăn học đại học, ngoài ra còn gây dựng quỹ cho CLB. Nguồn quỹ này CLB đã sử dụng cho các hội viên vay vốn tạo việc làm, tổ chức các sự kiện của người khuyết tật, thăm hỏi các hội viên khi ốm đau..vv

Không chỉ dừng lại ở một mô hình, anh cùng Ban chấp hành CLB xây dựng đề án sản xuất hàng mã, và đã được AEPD hỗ trợ 40 triệu đồng mua sắm trang thiết bị, học nghề, xây dựng nhà xưởng. Mô hình này cũng đã giúp nhiều thành viên CLB thoát nghèo.

 

  

Ghi nhận đóng góp của anh, chính quyền và người dân bầu chọn anh là thành viên  Ủy viên Mặt trận của phường. Anh cũng được chọn là cá nhân xuất sắc tại Hội nghị biểu dương người khuyết tật năm 2009 do Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình tổ chức. Cuối năm 2010 Anh được UBND phường tặng bằng khen cá nhân xuất sắc và CLB của anh được biểu dương là đơn vị tiên tiến của phường.

Nhìn anh Hòa suốt ngày đi lại khắp nơi, khi thì đến nhà trò chuyện cùng hội viên, khi thì gõ cửa các cơ quan với các đề xuất việc làm hay giải quyết chế độ cho người khuyết tật, ít ai nghĩ rằng bản thân anh là thương binh đang chăm sóc người vợ bị liệt nửa người.

Có người chân tình hỏi anh Hòa, việc gì anh phải ngược xuôi chăm lo cho người khuyết tật như thế? Và chẳng phải việc phải trả 120.000đ mỗi ngày để thuê người chăm sóc rừng cho anh đã là gánh nặng cho anh?

Anh Hòa chỉ cười hiền hậu:

“Vợ chồng tôi là người khuyết tật. Chúng tôi thấu hiểu nỗi lòng của người khuyết tật. Người khuyết tật không ỷ lại, không muốn bị coi thường. Chúng tôi chỉ cần con đường đi phù hợp để chúng tôi có thể tự lập. Vượt qua mặc cảm, có kiến thức, có vốn là sẽ  tìm ra con đường đó. Còn có nhiều người đồng cảnh chưa tìm được đường đi, tôi còn nhiều việc phải lo”.

 

Trần Ngọc Hòa. 1954

Tiểu khu 6, Phường Bắc Nghĩa, TP Đồng Hới. 0168 300 2133


Bình luận

Thống kê truy cập

users Đang Online: 2
today Hôm nay: 373
users Tháng này: 83,258
hits Tất cả: 1,331,256

Copyright © 2014 by AEPD