(K14) Cách thuận tiện nhất để người khuyết tật đi máy bay dễ dàng
09/04/2015 09:52
Hiểu rõ được những quyền lợi của mình, người khuyết tật có thể dễ dàng đi du lịch bằng máy bay mà không lo gặp bất cứ vấn đề gì.

1. Đặt vé và thanh toán các thủ tục tài chính

Trước khi “vi vu” bằng máy bay, tất cả mọi người chúng ta đều cần làm các thủ tục tài chính như đặt vé, thanh toán tiền vé, hành lý… Đối với người khuyết tật, trong quá trình làm thủ tục này, họ sẽ được hỗ trợ tới mức đặc biệt. 
 


Theo quy định của nhiều hãng hàng không trên thế giới, người khuyết tật nên thông báo trước tình trạng sức khỏe của mình trước chuyến bay 48 tiếng để hãng hàng không có sự chuẩn bị hỗ trợ được tốt nhất, đặc biệt là trường hợp người khuyết tật mang theo động vật giúp đỡ như chó, mèo. 
 
Tuy nhiên, ngay cả không thông báo thì trong mọi trường hợp, họ vẫn luôn được các hãng hàng không ưu tiên tiếp đón. Như EasyJet của Anh, hãng này còn tiến hành giảm giá vé cho người khuyết tật, miễn phí cước vận chuyển các hành lý đặc biệt như xe lăn cho hành khách. 


Tại Việt Nam, theo thông tư số 39 TT-BGTVT ngày 24/9/2012, người khuyết tật khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng cũng được hưởng chế độ giảm giá vé. Các hãng vận tải có trách nhiệm giúp đỡ, ưu tiên họ trong các thủ tục mua vé và đặt chỗ. 
 
2. Thủ tục check in tại sân bay
 
Cũng giống như tất cả mọi người, người khuyết tật cũng cần mang đầy đủ giấy tờ tới sân bay làm thủ tục trước giờ bay: hộ chiếu, chứng minh thư, giấy chứng nhận sức khỏe... Tại đây, họ sẽ được các nhân viên mặt đất hỗ trợ làm thủ tục nhanh chóng và thuận tiện nhất. 
 
 
Tại Việt Nam, theo thông tư số 36 TT- BGTVT ngày 29/8/2014, ngay cả khi đông khách nhất thì các hãng hàng không cũng cần bố trí chỗ ngồi ưu tiên cho người khuyết tật làm thủ tục tại sân bay. Đặc biệt, mọi dịch vụ liên quan tới xe lăn hay hỗ trợ người khiếm thính, khiếm thị thì hãng hàng không không được phép thu tiền phí.
 
Mặt khác, ngay từ việc xây dựng các sân bay, cảng hàng không, một trong những yêu cầu bắt buộc được đề ra đó là cần có các dịch vụ phù hợp với người tàn tật như nhà vệ sinh, hệ thống kiểm tra an ninh, các thiết bị hỗ trợ...
 
 
Ở hầu hết mọi trường hợp di chuyển, giấy chứng nhận y tế với một người khuyết tật thường không bắt buộc bởi chỉ khi người bệnh nằm trên cáng hoặc trong lồng ấp, phải hỗ trợ thở oxy trong suốt chuyến bay hay hãng hàng không nghi ngờ hành khách khó có thể hoàn thành chuyến bay thì mới yêu cầu giấy chứng nhận sức khỏe do bác sĩ ký. 
 
3. Lên máy bay

Theo thông tư 36 TT- BGTVT ngày 29/8/2014, hãng hàng không có trách nhiệm cung cấp xe chở hành khách từ cửa ra vị trí đỗ máy bay, hoặc sẽ sử dụng cầu ống dẫn hành khách với khoảng cách không quá 50m. 
 


Đặc biệt, người khuyết tật sẽ được ưu tiên bố trí chỗ ngồi riêng trên xe vận chuyển, hoặc được chở bằng xe ô tô riêng. Khi đến chân máy bay, hành khách khuyết tật sẽ được tiếp viên hỗ trợ, đưa vào vị trí ngồi riêng và thuận tiện nhất trên máy bay. 
 
Tại một số hãng hàng không lớn trên thế giới như Mỹ, Pháp, hành khách là người khuyết tật có thể có tiếp viên đi kèm, hỗ trợ kịp thời trong các tình huống khẩn cấp. 
 
Cùng với đó, những hành khách đi cùng chuyến bay, đặc biệt là người ngồi gần sẽ có trách nhiệm hỗ trợ người khuyết tật trong suốt chuyến hành trình của mình.
 
4. Khi máy bay hạ cánh và thủ tục check out
 
Việc hạ cánh cũng tương tự như cất cánh. Hành khách khuyết tật sẽ được tiếp viên đẩy xe đến tận nơi hay hỗ trợ đưa ra xe ô tô chở riêng. Cùng với đó, họ sẽ được hỗ trợ việc lấy hành lý. 
 
 
Sau khi lấy được hành lý, bạn sẽ được tiếp viên đưa ra làm thủ tục check out. Tương tự như check in, hành khách khuyết tật sẽ được ưu tiên làm thủ tục một cách nhanh và thuận tiện nhất. 
 
Khi đã hoàn tất thủ tục, tùy trường hợp, hành khách khuyết tật sẽ được tiếp viên mặt đất hỗ trợ đưa ra ngoài để có thể tiếp tục di chuyển bằng phương tiện khác hoặc gặp người nhà đón. 

Bình luận

Thống kê truy cập

users Đang Online: 67
today Hôm nay: 101
users Tháng này: 83,635
hits Tất cả: 1,331,633

Copyright © 2014 by AEPD