Khi gặp Long, hầu hết mọi người đều không để ý đến việc cô ngồi xe lăn. Họ bị hút hồn bởi nụ cười xinh quyến rũ của cô. Có rất nhiều người muốn được thưởng thức cà phê ở quán nhỏ tại ngôi làng bình yên của cô chủ tên Long tươi tắn diụ dàng này. Mỗi khi pha một tách cà phê cho khách hàng, cô lại thấy có thêm cơ hội kết bạn với mọi người. Những đồng tiền thu được từ những tách cà phê thơm nức dù khiêm tốn cũng đủ sống cho cô và gia đình. Nụ cười xinh lại trở về trên môi cô sau những ngày bị che lấp bởi nỗi buồn lặng lẽ.
Cách đây 13 năm, khi Long vừa 18 tuổi, một tai nạn đớn đau đã làm liệt cả hai chân cô từ hông trở xuống, xé nát tan tành tất cả ước mơ và những dự định rất gần về tương lai của cô gái vừa học xong trường phổ thông trung học. Mẹ đã bỏ đi từ khi Long mới hơn một tuổi. Long không muốn làm gánh nặng của gia đình, càng không muốn gánh nặng của người cha càng nặng thêm. Cô loay hoay tìm mọi cách để tự mình mưu sinh. Cô gái nhiều lần tưởng như bế tắc. Đúng lúc đó, cô gặp được Hội vì sự phát triển của người khuyết tật Quảng Bình (AEPD). Đến với cô với tấm lòng của người đồng cảnh ngộ, người cha, người anh, người bạn lớn, người cán bộ thực địa AEPD Nguyễn Văn Thuận đã tỉ tê trò chuyện, dẫn dắt cô vào lớp tập huấn khởi sự kinh doanh, tham gia các buổi hội thảo về quyền và cơ hội hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật. Với niềm tin mới và khoản hỗ trợ của AEPD, Long đã nỗ lực dựng được một quán cà-phê ngay tại sân vườn nhà. Cô gái mời mấy người bạn nữa về làm cùng với cha con cô, vừa làm vừa học.
Có được niềm vui, Long dường như lại phát hiện thêm khả năng ở cô mà trước đây cô chưa hề biết. Vẫn chăm chỉ bán cà phê, Long lại còn nhờ bạn bè dạy cô đan len. Cô học rất nhanh và những sản phẩm đầu tay của cô được bè bạn và xóm giềng mua hết. Cô lại được AEPD kết nối học thêm nghề làm đồ lưu niệm tại cơ sở của người khuyết tật trong tỉnh. Mặc dù đôi lúc tấm thân mỏng manh của cô như chực đổ gục xuống vì mỏi mệt, cô vẫn bền bỉ cố gắng ngồi lâu hơn và thức khuya hơn để làm được nhiều sản phẩm hơn. Cô nhận thấy những thay đổi của mình bắt đầu từ gặp gỡ với AEPD. Cô thấy mình tự tin hơn, nghị lực hơn, mạnh dạn chia sẻ, học hỏi từ những người cùng cảnh ngộ. Cô tham gia vào Câu lạc bộ người khuyết tật xã Lý Trạch, và là một trong những cây văn nghệ chủ chốt của Ban văn nghệ người khuyết tật Quảng Bình. Cô nhớ lại ánh mắt nồng nàn của người bạn trai trong lớp tập huấn khởi sự kinh doanh do AEPD tổ chức cách đây hơn một năm, người mà giờ đây đã trở thành người chồng đầu gối tay ấp của cô, giúp cô ủ ấm và xoa dịu đôi chân không còn lành lặn trong những đêm dài gió buốt. Rồi hai vợ chồng cô sẽ nhanh chóng có những đứa con ngoan, xinh xắn, hạnh phúc như bao cặp vợ chồng khác. Rồi sau này cô sẽ kể cho những đứa con của cô nghe về câu chuyện của một người con gái chẳng may bị tai nạn liệt cả hai chân khi vừa 19 tuổi. Người con gái đó đã không chịu đầu hàng tật nguyền và cuối cùng đã tìm thấy hạnh phúc.
Nguyễn Thị Long. 1979
Xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch. 0977 526 854