Chiếc máy bộ đàm của Anh Mỵ mở 24/24, và anh Mỵ luôn loanh quanh bên máy.Mặc dù sinh ra chưa khi nào được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, không biết mình sinh năm nào cũng không được đến trường ngày nào, nhưng anh Mỵ thuộc lòng tên gọi, số hiệu và số máy bộ đàm của gần 100 tàu đánh cá của các gia đình trong xã. Anh là cầu nối các con tàu cùng mấy trăm ngư phủ làm việc trên tàu khi họ lênh đênh ngoài biển với đất liền
Mười năm trước đây, khi có người định vứt bỏ chiếc máy bộ đàm cũ đã hỏng, anh Mỵ xin về. Anh lần mò luôn mấy hôm tìm cách thử sửa chữa và cuối cùng anh chữa được thật. Một hôm nghe đài báo có có cơn bão sắp đi vào vùng biển Việt Nam ở kinh độ nọ vĩ độ kia, anh đoán là nơi mà mấy người bạn làng chài thường hay đánh bắt. Vậy là anh lấy chiếc bộ đàm đó ra mò mẫm gọi báo tin cho họ. May sao có tàu nhận được tin anh, rồi tàu này thông báo cho tàu kia. Nhờ vậy, cả đoàn mấy mươi tàu đánh cá trở về an toàn cả người lẫn của. Thế là từ đó, anh Mỵ trở thành người nhắn tin tự nguyện.
Bình thường, mỗi chuyến tàu ra khơi thường mất 10 ngày lênh đênh sóng nước ngoài khơi xa và các tàu ít khi bắt được sóng phát thanh để biết tin tức từ đất liền. Những ngày sắp có gió bão, cả làng chài thắc thỏm khắc khoải ngóng trông về phía biển. Vậy nên, anh Mỵ theo dõi thường xuyên mục dự báo thời tiết rồi thông báo cho các tàu để họ kịp tìm nơi trú ẩn hoặc trở về nhà an toàn trước khi bão tới. Dần dần, chiếc máy bộ đàm của anh trở thành cầu nối giữa gần trăm chiếc tàu ngoài khơi với mấy trăm gia đình trong xóm mà anh là người chuyển tải. Thôi thì đủ thứ thông tin: có khi đó là thông báo ngày lên đường cho mấy chàng trai đi lao động nước ngoài, có khi lại là tin mẹ tròn con vuông gửi cho ông bố trẻ, hay tin mẹ cha xa trời gần đất muốn nhìn thấy mặt anh con trai trước lúc ra đi. Lại có khi, biển động sóng lớn không cho tàu cập bờ bãi ngang của xã, các tàu phải về neo đậu ở bến khác cách xã đến mươi cây số. Anh Mỵ nhận tin rồi lại thông báo cho người nhà của các thủy thủ trên tàu để họ tìm về đó đón người thân và đưa cá từ tàu lên chợ bán.
Nhờ những việc làm của anh Mỵ nên nhiều tàu cá của xóm chài này tránh được bão giông, tiết kiệm biết bao sức của sức người. Tuy công nhận giá trị công sức của anh, nhưng xóm chài quá nghèo đã không thể trả công anh một cách xứng đáng. Họ chỉ gửi lại anh một ít lon gạo, vài con tôm con cá sau mỗi chuyến đi biển về. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình anh trong nhiều năm. Vợ anh không được khỏe, và chị chỉ kiếm được chút ít tiền bằng cách phụ việc cho một quầy xay xát trong xã. Còn 3 đứa con gái đầu lòng anh chị sinh ra đều mù và điếc. Chỉ có hai đứa con trai thoát khỏi cảnh đời tăm tối của cha, một đứa đang đi làm thuê ở miền Nam, còn đứa kia đang theo học cấp III trường huyện.
Năm 2004, Báo Lao động từ thành phố Hồ Chí Minh và Báo Đầu tư từ Hà Nội đã cử đại diện về tận xóm chài thăm anh. Họ chuyển cho anh món quà tuyệt vời là một máy bộ đàm mới tinh và thêm cả mấy triệu tiền mặt nữa. Rồi họ còn cho xe về đón cả 4 cha con anh đi ra tận Thủ đô để khám chữa mắt. Hiềm nỗi, bệnh không có thuốc chữa, cha con anh trở lại, và cuộc sống cũng không tiến triển gì hơn. Vừa lúc đó, hai cô con gái được người tốt bụng giới thiệu và gửi vào nuôi ở một nhà thờ ở thành phố Hồ chí Minh. Chưa kịp mừng vì nhà đỡ được 2 miệng ăn thì vợ chồng anh Mỵ lại gánh thêm nỗi lo mới: cô con gái đầu long đơn thân sinh con. Buồn thay, cháu bé lại thừa hưởng đôi mắt mờ của mẹ. Kinh tế giá đình trở nên chật vật quá chừng. Tiền vợ anh kiếm được của gia đình từ nghề phụ việc cho cửa hàng xay xát gạo chẳng đáng là bao so với việc lo bữa ăn hàng ngày cho gia đình. Gian hàng tạp hóa anh chị nhờ người xây lên bằng 10 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách và Hội người mù để cho cô con gái đầu lòng kiếm tiền nuôi con dường như cũng vắng khách hơn, làm nặng thêm gánh nặng gia đình anh Mỵ. Thường thì những lúc quá khó khăn, gia đình anh vẫn được xóm chài và anh em giúp đỡ. Nhưng lúc này, anh Mỵ hiểu, xóm làng nhiều người cũng phải chạy ăn từng bữa, khi suốt năm rồi biển giông tố liên miên và bão lũ vừa tràn qua tràn lại khắp cả dải đất miền Trung này.
May mắn đến với gia đình anh Mỵ vào tháng Mười năm 2010, khi anh Trần Văn Luận, nhân viên thực địa của AEPD đến thăm. Qua tìm hiểu trao đổi, AEPD đã hỗ trợ cho gia đình anh một chiếc máy xay xát. Chiếc máy này tạo nguồn thu nhập chính của gia đình anh. Chị Thu vợ anh cười hãnh diện khoe: “Mỗi ngày chiếc máy đẻ cho tôi 50-70 ngàn đồng. Trừ tiền điện, mỗi tháng tôi kiếm được triệu rưỡi đồng đấy. Nhờ vậy gia đình đã có cái ăn, cái mặc, không còn phải chạy ăn từng bữa như trước. Cầu trời cho mạnh khỏe, vợ chồng tôi còn dành dụm để trả món nợ Ngân hàng sắp đến ngày tới hạn”. Mỗi khi nghe tiếng máy nổ rộn ràng mỗi ngày trước ngõ, anh Mỵ không thể giấu được niềm vui rạng ngời trên trên mặt. Chắc hẳn là anh, cho dù đôi mắt bị mù, vẫn đang thấy một tương lai tươi sáng hơn cho gia đình mình.
Nguyễn Văn Mỵ. Khoảng 45-50 tuổi.
Thôn Xuân Hòa xã Quảng Xuân huyện Quảng Trạch. 0523 517 784