Sống trên mảnh đất thiếu thóc thừa bom ngày ấy, lên 6 tuổi anh Thắng giẫm phải bom bi, bị cưa mất một chân. Một chân còn lại đưa anh đi qua tuổi thơ nghèo với dao rựa, cày cuốc và sắn khoai để đến với chị Thu, người con gái bị mù bẩm sinh ở làng bên. Chia sẻ cuộc sống vất vả nhọc nhằn của cha mẹ khuyết tật, từ năm 1983 đến 1991, bốn đứa con 3 trai 1 gái lần lượt ra đời.
Năm chị vừa sinh con gái út, xóm làng phải di dời để lấy chỗ cho đập nước Phú Vinh. Cầm trên tay 1,8 triệu đồng đền bù cho ngôi nhà và mảnh vườn đã gắn bó gần chục năm trời với 1 triệu đồng dành dụm bấy lâu, anh Thắng lò cò dắt vợ con cùng 4 con và 1 con bò về khu đất hoang tái định cư lởm chởm đất đá và cây cỏ dại ở gần đó. Ngày ngày, hai vợ chồng một cụt một mù đưa nhau ra rừng chặt củi đem về chợ bán đổi lấy gạo muối. Những ngày mưa gió không ra rừng chặt củi được, hai vợ chồng anh cũng không dám cho chân tay nghỉ việc. Họ níu nhau xuống đào đất mở rộng hố bom trước nhà mà chiến tranh Mỹ đi qua còn để lại. Từng tí một, dần dần họ biến hố bom này thành mảnh ao rộng hơn 600m2. Họ mua cá giống thả nuôi để bán lấy tiền mua gà, heo giống. Rồi họ cuốc xới vạt đất đầy cây cỏ rậm rạp quanh nhà để trồng đậu khoai bầu mướp và các loại rau dưa. Tiếng khóc, cười của các con luôn rộn rã dưới mái tranh. Cuộc sống nhọc nhằn gian khổ trước đây của họ dường như nay đã được an bài nhẹ nhõm hơn. Nhưng thật không may, các tai họa từ đâu lại cứ dồn dập đổ về bủa vây gia đình họ.
Tai họa đầu tiên ập đến khi đứa con trai đi chăn bò bị ngã trên sườn dốc sỏi đá gần nhà rồi qua đời vào năm 1994. Nén nỗi đau cháy xé lòng sau cái chết của con, anh Thắng quyết tâm tìm cách chạy khỏi cái nghèo. Anh chị càng ra sức chăm chỉ khai hoang, cuốc đất, nhịn đói nhịn khát để dành tiền đầu tư vào cho đất. Dần dần, vạt đất hoang ngày nào đã biến thành 5 sào ruộng lúa, 2 sào keo lai, 60 gốc tiêu và đủ các loại cây khác trong vườn. Năm 2007, được chính quyền xét cho vay 5 triệu đồng từ ngân hàng CSXH, anh thuê máy đào thêm ao cá. Năm sau, anh lại được vay thêm 10 triệu nuôi thêm heo, gà, cá. Dù biết rằng nợ vay thì rồi đến ngày phải trả, nhưng hai vợ chồng anh đã bắt đầu yên tâm về cuộc sống gia đình trước mắt và hy vọng một tương lai tươi sáng cho các con. Xóm giềng chung quanh bấy lâu vẫn thấu hiểu bao nỗi gian truân và cảm phục ý chí của đôi vợ chống anh Thắng, nay cũng bắt đầu thấy mừng cho họ.
Thật không may, tai họa lại ập đến khi dòng nước lũ hung dữ vô tình xả ra từ Đập Phú Vinh năm 2008, cuốn theo cá trong tất cả 4 ao mà vợ chồng anh Thắng vẫn khấp khởi trông chừng như là nguồn thu chính trong năm của gia đình họ. Cùng năm đó, chị Thu bị u xơ tử cung phải đi mổ ở bệnh viện Cu Ba-Đồng Hới, còn anh Thắng bị viêm gai khớp gối chân cụt phải đi mổ ở bệnh viện Huế. Xóm giềng chung quanh chạy tới chạy lui với ấm nước, củ khoai và đôi lời an ủi, bởi họ đều nghèo và không có gì hơn. Anh Thắng buộc lòng phải bán hết gà lợn trong chuống để lấy tiền thuốc men chữa bệnh. Tình cảnh hai vợ chồng anh thật quá khó khăn, khó khăn hơn cả khi họ mới bắt đầu.
Đúng lúc này, Hội vì sự Phát triển của Người khuyết tật-AEPD (tiền thân là Mạng lưới nạn nhân bom mìn-LSN) đến với vợ chồng anh. Hai vợ chồng được AEPD hỗ trợ cá giống và hội Phụ nữ cho vay 1,2 triệu đồng. Lại lần nữa, hai vợ chồng rũ bùn gượng đứng lên và gầy dựng lại ao cá. Nhưng lần này, họ chưa kịp hoàn hồn thì tai họa khác lại bất ngờ giáng xuống: giữa năm 2009, cô con gái út duy nhất vừa học xong lớp 12 bị mất sau gần 2 tháng nằm ở phòng cấp cứu bệnh viện Huế, chi phí hết 160 triệu đồng chưa kể phần được bảo hiểm thanh toán. Hai vợ chồng anh lại buộc phải bán hết mọi thứ còn lại trong nhà để trả. Họ lại trở lại khốn đốn hơn cả khi xưa. Gánh nặng nỗi đau và món nợ cộng dồn, người khác có lẽ đã buông xuôi phó mặc đời cho số phận đẩy đưa. Nhưng vợ chống anh Thắng không phải người như vậy. AEPD vẫn luôn ở bên cạnh anh. Theo kế hoạch làm ăn của vợ chồng anh, AEPD đã giúp tu sửa lại hệ thống chuồng trại. Bên cạnh đó Hội người mù của tỉnh giúp vợ chồng anh mua 12 con heo giống về nuôi. Họ cũng mua cả mấy ngàn cá giống thả nuôi. Tết vừa qua, anh chị thu được 28 triệu. Chẳng dám tiêu pha, họ lại dùng tiền này mua bầy heo con khác để nuôi tiếp.
Khi tôi đến thăm vào đầu tháng Ba năm nay, anh chị dẫn tôi ra xem 4 ao cá mới thả giống và 15 heo con đang ngóng bữa. Chỉ nay mai thôi, nếu trời không cướp đi, anh chị sẽ có đủ tiền trả nợ vay ngân hàng. Cho dù gặp biết bao cay đắng trên đời, đôi vợ chống anh Thắng vẫn cùng nhau hướng tới tương lai.
Hình ảnh vợ chồng anh Thắng luôn khắc trong tâm trí tôi kể từ ngày tôi gặp họ. Anh Thắng khập khiễng chân nạng dìu chị Thu mắt mù đang dè dặt bước trên bờ ao giữa nồng nàn hương bưởi trong trưa nắng đầu mùa trông đẹp lạ kỳ. Trong khi trò chuyện, anh Thắng mộc mạc bảo tôi: “Mình phải tự đứng lên dù có cộng đồng nâng đỡ”. Đứng bên anh, chị Thu mỉm cười bâng quơ: “ Hôm nay trời đã ấm hơn hôm qua”. Tôi không chắc liệu chị Thu có ẩn ý gì không, nhưng ánh sáng mặt trời thực sự chiếu sáng rực trên gương mặt họ. Đối với họ, dường như khuyết tật chỉ là từ ngữ và nó không làm họ yếu đuối, đói khổ không làm họ kêu rên, tai ương không làm họ gục ngã.
Nguyễn Hữu Thắng, sinh năm 1958
TK Cồn Chùa, phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới. 0168 449 9635