Người khuyết tật và dòng nước lũ
29/02/2016 14:42
Sau trận lũ lịch sử kinh hoàng tháng Mười năm 2010, rất nhiều người dân thôn Phong Nha xã Sơn Trạch nói về anh Lê Viết Hiều. Anh Hiều năm nay 47 tuổi, một tay bị liệt bẩm sinh. Từ nhỏ anh đã không biết cha là ai, đến năm lên 9 thì anh Hiều mất mẹ. Anh sống cùng người anh trai khi đó 14 tuổi. Hai anh em tự trồng rau bắt tép nuôi nhau, nhưng chẳng mấy khi được no. Có khi đói quá, anh Hiều phải đi xin ăn ở chợ. Mặc dù vậy, anh Hiều cũng đến trường và học hết cấp 2, điều mà bao người lành lặn khác thời đó không làm được.

Năm 23 tuổi anh lấy vợ là con nhà nghèo ở trong làng. Hai vợ chồng đầu tắt mặt tối quanh năm, từ vườn nhà ra ngõ xóm, ai thuê làm gì làm nấy. Có với nhau 3 đứa con, họ những chỉ mong làm sao các con được ăn học và sung sướng hơn đời cha mẹ chúng. Năm 2003, khi du lịch Phong Nha bắt đầu phát triển mạnh, vợ chồng anh vét hết vốn liếng, lại vay mượn thêm từ anh em để mua 1 chiếc thuyền gỗ nhỏ 14 chỗ ngồi và chuyển sang dịch vụ vận chuyển khách. Họ tin rằng công việc mới này sẽ là chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai mà họ hằng mơ ước.

Ngày 4/10/2010, nước lũ ập về rất nhanh, cả gia đình anh Hiều phải trèo lên "tra" là mấy phiến gỗ gác trên cao để tránh lũ. Khoảng 10 giờ đêm, nước đã ngập nhà đến hơn 2 mét. Lắng tai nghe tiếng loa của UBND xã kêu gọi nhà có thuyền mau mau đi cứu người, hai cha con anh Hiều không ngồi thêm một phút. Họ cởi áo quần lần mò bơi hơn 60 mét trong nước lũ lạnh buốt để đến chỗ buộc thuyền. Nhà đầu tiên họ đến là của gia đình chị Xuân, nơi có 7 trẻ em, 1 cụ già 93 tuổi và 4 người lớn đang gào khản cổ. Nhà ống 1 tầng, nước đã dâng cao gần ngập cửa. Anh con trai cầm sợi dây thừng bơi vào nhà, buộc lên cửa sổ và giục mấy người lớn men theo sợi thừng bơi ra thuyền. Còn anh thì lần lượt bơi ra bơi vào cõng hết đám trẻ con và cụ già đưa lên thuyền. Hơn 1 tiếng đồng hồ sau, cả gia đình chị Xuân đã được đưa đến nơi lánh nạn là Trường tiều học Phong Nha. Tiếng kêu khóc vẫn vang vang trong xóm. Cha con anh vội vã chạy thuyền đến nhà Bà Lợi, bất chấp hiểm nguy lừ lừ trong làn nước nước lũ cuồn cuộn. Một tiếng sau, cả gia đình bà Lợi 14 người mừng rỡ được thoát nạn. Đưa thêm 3 gia đình nữa đến nơi an toàn, hai cha con anh trở về đến nhà khi trời vừa hé sáng.

Vậy là cha con anh Hiều đã thức cứu người suốt một đêm không ngủ nên mệt nhoài, sức kiệt. Nhìn thấy mẹ, con trai anh chỉ kịp kêu lên: “ Mạ ơi, con đói lắm, lạnh lắm”. Chị Huấn vội vàng pha gói mỳ tôm với nước sôi đưa cho hai cha con. Chưa ăn xong bát mỳ, chuông điện thoại đã réo lên inh ỏi, hai cha con anh Hiều lại xuống thuyền lao đi. Cánh tay liệt thõng xuống, hoàn toàn vô cảm. Chỉ còn một tay, anh Hiều cố sức giữ lái. Chiếc thuyền lao nhanh đến nơi nào có người gặp nguy đang kêu gào hoảng loạn nhờ cứu giúp. Hai cha con anh đưa tất cả họ về trú tại Trường tiểu học Phong Nha. Khi hai người quay thuyền về đến nhà lúc 3 giờ chiều hôm đó, chị Huấn òa khóc: “Trôi hết rổi. Cả 2 thùng lúa và 2 con heo nhà mình bị trôi hết rồi. Biết lấy chi mà ăn đây?”. Anh Hiều đưa cánh tay lành đã mỏi nhừ vuốt tóc an ủi vợ: “Lũ dữ lắm mà cả thôn không có người bị trôi là mừng rồi. Lúa heo trôi thì ta làm lại”.

Mấy ngày sau, nước rút, từng đoàn xe chở đồ cứu tế đến cho quê anh, giúp nhiều người dân vượt qua lúc ngặt nghèo. Bà con quanh xóm bàn nhau góp lại thưởng cho gia đình anh Hiều 1,3 triệu đồng nhưng anh chị quyết không nhận, bởi anh biết xóm giềng anh đều nghèo. Gia đình anh chỉ  nhận 1 triệu rưỡi đồng của UBND xã, 1 triệu của Hội câu cá Việt Nam và 730 ngàn của Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Anh cũng được UBND xã tặng một giấy khen.

Rất nhiều người thôn Phong Nha xã Sơn trạch nói về anh Lê Viết Hiều với nhiều cảm xúc. Dân làng cho rằng anh đã cứu tổng cộng được gần 300 người. Có người văn vẻ ví von rằng, chiếc thuyền gỗ cùng 3 cánh tay của mgười khuyết tật đã bắc cầu cho 300 người lành lặn chạy thoát khỏi cửa tử. Nghe họ nói về mình, anh Hiều chỉ hiền lành mỉm cười. Anh thấy hân hoan mãn nguyện khi biết tin khắp cả thôn Phong Nha và cả xã Sơn trạch quê anh không có ai thiệt mạng trong dòng nước dữ kinh hoàng xẩy trong tháng Mười (2010) dữ dội ấy.

Sau cơn lũ, cán  bộ AEPD đã về thăm Gia đình anh. Theo kế hoạch phục hồi của gia đình, AEPD đã hỗ trợ vợ chồng anh 4 con lợn giống khôi phục lại chăn nuôi. Điều anh nói với chị đã thành sự thật: “Lúa heo trôi rồi thì ta làm lại”.

 

Lê Viết Hiều. 1964

Thôn Phong Nha xã Sơn Trạch huyện Bố Trạch. 0983 245 676

 


Bình luận

Thống kê truy cập

users Đang Online: 9
today Hôm nay: 93
users Tháng này: 92,908
hits Tất cả: 1,335,233

Copyright © 2014 by AEPD